Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

ban sac van hoa dan toc viet nam

Go down

ban sac van hoa dan toc viet nam Empty ban sac van hoa dan toc viet nam

Bài gửi  huuloctcnn1 17/5/2010, 11:17

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ DÂN TỘC ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
I. ĐẶT VẤN ĐẾ
Trên con đường đổi mới, đất nước đã bước đầu hội nhập với khu vực và thế giới, vượt qua lạc hậu, đói nghèo, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế mới của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời buổi đầu thời kỳ quá độ, gồm nhiều thành phần (nhà nước xã hội chủ nghĩa, tập thể, tư bản tư nhận, tư bản nước ngoài, liên doanh với nước ngoài, tiểu nông, tiểu chủ, tiểu thương v.v…), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta chủ trương tạo điều kiện pháp lý cho các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển, nhưng phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh v.v… Trong mười năm qua đã bộc lộ những mặt được và chưa được, khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới và các chính sách kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, song cũng phô bày ra nhiều mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc văn hoá dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hoá Việt Nam; đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hoá độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc, khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn” (1).
Bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống đạo đức dân tộc, xét trên bình diện đạo đức học, tính cho đến thời điểm cuối thế kỷ XX, di sản của quá khứ mấy nghìn năm lịch sử các thế hệ trước để lại cho chúng ta bao gồm những gì, cần kiểm lại hành trang, những gì cần mang theo, cái gì phải vứt bỏ, phải xây dựng, phát triển những cái mới, văn minh hiện đại để đi vào thế kỷ XXI.
II. CƠ TẦNG VĂN HOÁ BẢN ĐỊA: NHỮNG GIÁ TRỊ TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT
Nhìn lại tiến trình lịch sử Việt Nam hàng nghìn năm qua, dòng chảy chủ đạo của tư tưởng triết lý là triết lý nhân sinh, luôn gắn liền với cuộc sống thiết thực của cộng đồng: Nhà – Làng - Nước. Con người cá nhân không tồn tại đơn lẻ mà sống trong thế ứng xử với các cộng đồng đó.
Xét từ cội nguồn, cộng đồng người Việt hình thành sớm trên cơ sở những xã nông thôn – nông nghiệp trồng lúa trên một địa bàn không lớn, cái nôi ban đầu là lưu vực sông Hồng đến sông Mã. Thời dựng nước là thời đại các vua Hùng, lập ra nước Văn Lang, ngày nay các nhà sử học chúng ta đã khẳng định đó là một thời huyền sử, khoảng 2700 năm cách nay, tức khoảng thế kỷ VII trước CN. Thời Thục An Dương Vương với kinh đô Cổ Loa hiện thực hơn, còn để lại di tích đến ngày nay, khoảng thế kỷ II trước CN.
Công xã nông thôn, cộng đồng làng xã là tổ chức đã hình thành sớm và tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử, là nơi bảo lưu văn minh lúa nước, văn hoá xóm làng. Có làng trước rồi mới có nước. Nước là làng mở rộng, là tập hợp nhiều làng. Văn hoá xóm làng được bảo đảm bởi nền tảng kinh tế là chế độ ruộng công, tồn tại đến tháng 8 – 1945, thậm chí đến cải cách ruộng đất 1955 – 1956 ở miền Bắc. Thực chất ruộng công đó là ruộng do công sức, mồ hôi của nhiều thế hệ thành viên công xã khai phá, phải làm thuỷ lơi, đào đắp đê điều, chăm sóc bảo vệ mùa màng mới có hạt thóc, hạt ngô, củ khoai, củ sắn… Do vậy mà nảy sinh tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau v.v… Đến khi có nhà nước, có chế độ phong kiến, bộ máy nhà nước thiết lập, bao trùm lên, áp đặt lên bộ máy tự quản của làng xã, ruộng làng là ruộng công là ruộng vua, nhưng thực chất vẫn do làng xã quản lý. Vì thế mới có tình trạng “phép vua thua lệ làng”.
Trong gia đình người Việt, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “con hơn cha nhà có phúc”. Gia đình mẫu hệ còn ảnh hưởng đậm nét và lâu bền nên Mỵ Châu Công chúa con vua An Dương Vương lấy Trọng Thuỷ, Thuỷ ở rể là thuận lý hợp tình, nếu giải mã theo quan điểm hệ thống thân tộc mẫu hệ. Đến đầu Công nguyên Hai Bà Trưng dựng cờ nghĩa đánh đuổi giặc ngoại xâm được toàn dân hưởng ứng, trong một thời gian ngắn giành lại 65 thành trì; thắng lợi rồi Hai Bà trở thành “vua Bà”, dưới trướng còn có nhiều “tướng bà” v.v… Thế kỷ thứ III có Triệu Thị Trinh khởi nghĩa… Mãi tới sau này khi xác lập chế độ phong kiến, ảnh hưởng Nho giáo nhưng người phụ nữ vẫn có vai trò quan trọng trong gia đình.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Hoặc: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà.
Mẹ và bà ngoại là những nhà giáo dục, quyết định sự nên hư của thế hệ con cháu.
Song văn hoá xóm làng, chiềng chạ, gia đình ấy cũng có nhiều nhược điểm. Hàng nghìn năm luỹ tre làng vừa là nơi che chở nhưng cũng là nơi kìm giữ người nông dân không ra khỏi luỹ tre làng, tâm hồn họ những lúc bay bổng cũng theo “cành trúc la đà”, không vượt khỏi ngọn tre. Chiều kích không gian hạn hẹp như vậy nên rất hạn chế sự giao lưu tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trong thế ứng xử cộng đồng gia đình, làng xã nên cá mè một lứa, cá đối bằng đầu, chín bỏ làm mười, kẻ tám lạng người nửa cân, xấu đều hơn tốt lỏi, trâu buộc ghét trâu ăn, cứ níu kéo nhau. Con người cá nhân không được khẳng định, thường bị hoà tan trong cộng đồng.
Kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước với tư liệu sản xuất chính là ruộng đất, nước, sức sản xuất quan trọng nhất là người nông dân cần cù, nông dân làm theo mùa vụ với kinh nghiệm sản xuất, mong cho có đầy niêu cơm là đã thoả mãn, không đòi hỏi tư duy khoa học, sáng tạo…
Điểm lại một số giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống hàng nghìn đời cha ông ta để lại, giá trị lớn nhất là lòng yêu nước, trong thời đại mới được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước. Dường như trong mỗi người Việt Nam đều tiềm ẩn một người yêu nước, một tình tự quê hương. Mỗi khi vận nước bị nguy nan thử thách, lòng yêu nước đó lại bùng lên như sóng trào lửa cháy quét sạch quân thù. Tính cộng đồng, cần cù là những giá trị đáng quý, nhưng phải đánh giá đúng, đầy đủ mặt tích cực và tiêu cực của nó. Suy cho cùng, những giá trị trên đây cũng mới chỉ định tính, chưa được đúc kết thành những chuẩn mực, quy phạm đạo đức.
III. TIẾP BIẾN NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC PHƯƠNG ĐÔNG
Từ năm 111 trước CN nước ta bị nhà Hán xâm lược và đô hộ, thường gọi là thời kỳ “Bắc thuộc”, kéo dài đến đầu thế kỷ X, trải hơn 1000 năm. Bọn phong kiến thống trị Trung Quốc cho người Nam là man nên thi hành chính sách đồng hoá cả về chính trị - xã hội văn hoá, cưỡng bức dân ta phải cải đổi phong tục, lễ nghi theo phương Bắc.
Không có tài liệu thật chính xác về sự du nhập, truyền bá Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo vào Việt Nam. Nhưng có lẽ từ đầu Công nguyên, cả tam giáo đều được người Việt Nam tiếp nhận bằng tâm thức của mình, thích nghi và bản địa hoá, nhưng cơ bản chỉ tiếp thu một số nghi lễ, triết lý sống phù hợp với tâm hồn người nông dân Việt Nam.
Chính quyền cai trị (bọn Thái thú, Thứ sử…) cho mở trường dạy chữ Hán, mục đích đào tạo tầng lớp thư lại; áp đặt lễ nghi trật tự xã hội phong kiến; lễ nghi phong tục của người Hán theo lối gia đình phụ hệ gia trưởng lên một xã hội cộng đồng của người Việt còn ảnh hưởng gia đình mẫu hệ v.v… nên suốt hơn 1000 năm Bắc thuộc mà Nho giáo vẫn không thẩm thấu sâu rộng vào xã hội người Việt.
Có thể tạm lý giải điều này là do: Trước hết, Nho giáo được sử dụng như một công cụ tinh thần của bọn cai trị áp đặt; Thứ hai là do văn hoá Việt với văn hoá Hán có nhiều dị biệt (2)…, Thứ ba là vì chữ Hán – phương tiện để chuyên chở đạo Nho, rất khó học. Nội dung của đạo Nho rất phong phú, gồm nhiều triết lý cao siêu trong Tứ thư, Ngũ Kinh v.v… nên người nông dân Việt ở làng quê khó có điều kiện học tập, tiếp thu một cách hệ thống, đầy đủ mà có thể tiếp nhận một số giáo điều, một số lễ nghi đơn giản, gần gũi, phù hợp với họ. Kinh điển Nho giáo được gọi là “sách thánh hiền”, dành cho những đấng “quân tử”, những người có chỉ số thông minh cao. Đèn sách, giùi mài kinh sử cả đời có khi cũng chỉ biết đến con số ngàn chữ, không ôn luyện thì chữ thầy lại trả thầy.
Hơn một nghìn năm Bắc thuộc sử sách chỉ nhắc đến tên của ba người là Trương Trọng, Lý Cầm, Lý Tiến (tôi ngờ rằng họ là người Việt gốc Hán) sang Đông Hán thi đỗ, được bổ làm quan. Tầng lớp thư lại người Việt chỉ chiếm tỷ lệ ít ỏi. Tuyệt đại đa số nhân dân ở các làng quê vẫn giữ gìn đạo đức, văn hoá truyền thống, tín ngưỡng vật linh được nâng cao lên thành các vị Thần (Đất, Núi, Sông, Mây, Mưa, gió v.v…), thờ tổ tiên và tiếp nhận tôn giáo mới - Bụt (Budha) một cách tự nhiên. Hình ảnh (ảnh tượng) đức Phật không phải ở nơi cao vời trên chín tầng trời xanh, mười phương Phật lại rất gần, hiện hữu xung quanh, ông Bụt là hiền lành, chất phác, hiện thân của người nông dân. Mỗi khi khó khăn hoạn nạn cần sự cứu rỗi thì người ta lại cầu khấn, mong Bụt hiện lên, ra tay giúp đỡ…
Đạo giáo vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Tuy chính quyền đô hộ không áp đặt, Đạo giáo vẫn vào nước ta qua nhiều luồng khác nhau. Nhiều quan cai trị người Trung Quốc truyền bá vào Việt Nam Đạo giáo, tôn giáo mà họ thờ phụng. Tầng lớp thư lại, trí thức người Việt không tiếp nhận được đầy đủ triết lý cao siêu của Đạo (Lão Tử Đạo Đức Kinh, Tranh Tử Nam Hoa Kinhv.v…), mà chỉ tiếp thụ một phần triết lý và tín ngưỡng thờ Thái tượng lão quân, kết hợp với đạo phù thuỷ, ma thuật. Triết lý vô vi của Đạo giáo (đúng ra là của Lão Trang), những nho sĩ bất đắc chí tiếp nhận biến thành tư tưởng yếm thế, sống hồn nhiên với mây gió cỏ cây, an nhàn bần cư lạc đạo…
Nho, Phật, Lão đều tìm được con đường vào Việt Nam, cùng chung sống, hoà quyện với tinh thần và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Chắc chắn là Phật giáo đã bén rễ sâu bền trong quảng đại quần chúng nhân dân lao động vì tư tưởng từ bi bác ái của nhà Phật phù hợp với tâm thức tự nhiên thuần phác của người nông dân, khuyên bảo người ta “ở hiền gặp lành”, sống gửi thác về với cõi Bụt… Đạo Phật còn góp phần hoá giải tư tưởng Nho giáo chính thống mà bọn thống trị ngoại bang phương Bắc áp đặt. Vì vậy sau hơn nghìn năm bị đô hộ mà người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hoá, tiếng nói mẹ đẻ của mình. Tự ngàn đời, người Việt gọi tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ chứ không gọi tiếng cha, vì thiên chức mẹ nuôi con bằng dòng sữa mẹ, dạy cho con tiếng nói đầu đời, lời ru của mẹ vào tâm thức con suốt cả cuộc đời.
Thế kỷ X nước ta giành độc lập, tự chủ. Phật giáo những thế kỷ đầu độc lập, từ Đinh, Tiền Lê đến Lý, Trần đều chiếm phần nổi trội hơn Nho giáo, Lão giáo. Nhưng nhà nước vẫn tổ chức thi Tam giáo. Đền thời Hậu Lê, từ nửa sau thế kỷ XV, Nho giáo mới chiếm địa vị độc tôn. Gọi là độc tôn nhưng Phật giáo, Đạo giáo vẫn trường tồn, hiện hữu trong đời sống thường nhật. Tiếp thụ Nho giáo nhưng hàng nghìn năm nền Nho học Việt Nam (nhiều người gọi là Việt Nho) cũng chỉ sản sinh ra một tầng lớp trí thức Nho học nông dân. Từ khoa thi Đình đầu tiên năm 1075 thời Lý Nhân Tông đến khoa thi Hội cuối cùng năm 1919 thời Nguyễn gần tám thế kỷ rưỡi, tổ chức 185 khoa thi, chọn được 2875 tiến sĩ (và phó bảng thời Nguyễn) (3). Theo GS Phan Đại Doãn, 555 tiến sĩ và 5226 cử nhân thời Nguyễn hầu hết đều xuất thân từ nông thôn (4). Lối học ngày xưa là tầm chương trích cú, học khoa cử. Đỗ đạt, mục đích chính là để ra làm quan, “phò vua giúp nước”. Khi thất thế hoặc không đỗ thì trở về làng quê cày ruộng, “Ta về ta tắm ao ta”…
Di sản văn hoá tinh thần lớn nhất của nghìn năm văn hiến để lại cho chúng ta, tiêu biểu nhất là kho sách Hán – Nôm được sưu tầm, lưu giữ ở Viện Hán Nôm thuộc Trung tâm KHXH – NV Quốc gia ở Hà Nội gồm trên 8000 cuốn sách. Nhìn vào phân loại đề mục: quá 50% là thơ văn; trên 30% là sách học để đi thi, từ sách Tứ Thư, Ngũ Kinh đến các loại lược giải, đề cương, văn mẫu; còn lại 20% là sách ghi chép về lịch sử, địa lý, điển lệ, pháp luật, chiếu biểu, sắc dụ, gia phả, thần tích, y dược học, bói toán… Đồ sộ nhất là các bộ sách do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn. Sách về kinh tế, thương nghiệp, kỹ thuật hầu như không có (5). Cơ cấu xã hội gồm tứ dân: sĩ, nông, công, thương nhưng “nhất sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”. Thái bình thịnh trị thì trọng sĩ, lúc đói kém thì trọng nông. Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ trọng công, thương, đó là chưa nói là các nhà Nho còn coi thường lao động chân tay, coi khinh buôn bán. Chính vì vậy so với nhiều nước láng giềng, những nước “đồng văn đồng chủng” như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, dân tộc Việt Nam không có truyền thống công nghiệp và thương nghiệp. Về xây dựng, kiến trúc, thậm chí so sánh với các nước Đông Nam Á thì Việt Nam cũng không được thứ hạng cao. Đem Chùa Diên Hựu (Một Cột) mà so với Borobudur (Indonesia), Thánh địa Mỹ Sơn (Champa), Angkor Thom, Angkor Wat (Campuchia), Swedagon (Mianmar) dù có tự hào dân tộc đến mấy cũng cảm thấy bùi ngùi. Di sản văn hoá vật chất hoành tráng nhất là cố đô Huế được xây dựng từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Tóm lại, hơn hai nghìn năm giao lưu tiếp xúc với hai nền văn minh lớn của phương Đông là Trung Quốc và Ấn Độ, văn hoá Việt Nam đã từ nguồn suối hoà vào dòng chảy lớn của phương Đông, của nhân loại, đã tiếp biến, thâu thái những giá trị mới, làm giàu thêm và nâng văn hoá Việt Nam lên một tầm cao mới. Phải thấy rõ một sự thật lịch sử: ta tiếp thụ hai nền văn minh lớn đó trong thế bị động, hoặc bị áp đặt, hoặc do người ngoài đem đến truyền bá, người Việt chỉ tiếp nhận như những học trò, những tín đồ. Vì vậy có một thời nhiều nhà nghiên cứu dùng khái niệm kiểu truyền bá văn hoá đó là Hán hoá (ở miền Bắc Việt Nam) và Ấn Độ hoá (ở miền Trung và Nam Việt Nam). Mặc dù vậy, ông cha ta đã tiếp thu một cách chọn lọc, Việt hoá thành những giá trị của mình. Bởi thế ta không có đủ điều kiện học hỏi, tiếp thu một cách hệ thống, trên cơ sở đó mà sáng tạo ra những giá trị mới (như trường hợp Nhật Bản). Sử sách không thấy ghi chép một “nhà” nào người Việt tìm đường sang Tây Trúc thỉnh kinh hoặc sang Trung Quốc học Nho, học Đạo. Hàng nghìn năm tiếp nhận ảnh hưởng Nho giáo, Đạo giáo, đến thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ III chúng ta vẫn chỉ bàn đến Nho giáo, Đạo giáo nguyên thuỷ, dẫn giải các nhà thông thích học các đời sau. Tam giáo ở Việt Nam chỉ sản sinh phái Thiền Trúc Lâm (đời Trần, thế kỷ XIII về sau), không có học phái Nho nào, không so với Trung Quốc được, so với Triều Tiên, Nhật Bản cũng thua kém.
Ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đối với xã hội, con người Việt Nam đã trải qua quá trình lịch sử gần hai nghìn năm. Các thế hệ người Việt tiếp nhận Tam giáo một cách tự nhiên nhi nhiên, không băn khoăn trăn trở nhiều về hệ thống triết học Nho, Đạo, Phật mà tiếp nhận thiên về khía cạnh đạo đức học của nó, vận dụng vào cuộc sống, tức là hành đạo, sống đạo.
Đạo đức học Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, xét trên hai bình diện đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân có những điểm dị biệt nhưng mặt tương đồng lớn hơn(6). Có lẽ vì vậy mà vào Việt Nam Tam giáo đồng quy, đồng nguyên. Những giá trị đạo đức ấy kết hợp với những giá trị đạo đức truyền thống của người Việt cổ, được bản địa hoá, nâng giá trị đạo đức Việt Nam lên tầm cao mới, từ thế kỷ X đến thế kỷ XX đã được chắt lọc, trở thành những chuẩn mực, quy phạm đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Về đạo đức xã hội: Từ yêu nước chuyển thành ái quốc, nâng lên trung quân. Trong xã hội phong kiến, vua là tượng trưng cho nước, đứng đầu cả nước, kết hợp vương quyền lẫn thân quyền (chủ trì lễ tế Nam Giao, tế trời đất, có quyền ban sắc phong thần…)
Người Việt Nam cũng luôn tôn vinh, đề co khuyến Thiện, trừ Ác. Còn Tam cương, Ngũ luân chỉ giới hạn trong tầng lớp trên của xã hội, trong giới trí thức, nhà trường.
Về đạo đức cá nhân: Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) đã ăn sâu vào đời sống, trở thành giá trị tinh thần đạo đức Việt Nam. Từ thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã tổng kết thành “việc Nhân, Nghĩa cốt ở yêu dân”. NgườI Việt đề cao Nhân, Nghĩa trong lối ứng xử xã hội, trọng tình nghĩa. Quan hệ gia đình của người Việt tuy chịu ảnh hưởng chế độ tông tộc, gia đình gia trưởng, lễ giáo đạo Nho nhưng vẫn còn giữ bản sắc Việt Nam: vợ chồng tương kính, hoà thuận, giữa cha mẹ với con cái, anh em với nhau, giữa nam và nữ giàu nhân tính hơn. Về mặt ứng xử quan hệ người - người, đạo lý Việt Nam gần với đạo đức học Phật giáo hơn.
Tuy nhiên, đạo đức học truyền thống như đã nêu trên không phải là những hệ giá trị vĩnh cửu, trường tồn. Chế độ kinh tế - xã hội nào đòi hỏi hệ giá trị đạo đức tương hợp.
IV. TIẾP THU GIÁ TRỊ TINH THẦN ĐẠO ĐỨC PHƯƠNG TÂY
Từ thế kỷ XVI, XVII chủ nghĩa thực dân phương Tây bành trướng sang châu Á. Vận mệnh quốc gia và những giá trị tinh thần, đạo đức dân tộc đứng trước thử thách nghiêm trọng.
1. Đạo Thiên Chúa truyền vào nước ta:
Đạo Thiên Chúa do các nhà truyền giáo châu Âu da trắng, khác chủng tộc, khác văn hoá, khác đạo truyền giảng. Xét về phương diện tinh thần, Kinh thánh nói về một Đấng Cứu thế và nước Chúa, kêu gọi con ngườI sống thương yêu đồng loại, sống Phúc âm để khi chết được lên Thiên Đàng. Về tổ chức cộng đoàn và nghi lễ, giáo dân được tổ chức chặt chẽ, có chủ chăn là các vị linh mục. Thiên Chúa giáo bị coi là tà đạo vì ngay từ đầu gây ra xung đột văn hoá. Nguyễn Đình Chiểu nguyền rủa “quân tà đạo quăng vùa hương xô bàn độc”(7), không cho giáo dân thờ cúng tổ tiên ông bà, từ bỏ đạo gốc nghìn đời của họ.
Ngoài vấn đề xung đột văn hoá, đằng sau các nhà truyền giáo là bọn thực dân xâm lược định lợi dụng giáo dân, biến họ thành những kẻ nội ứng cho những cuộc chiến tranh cướp nước nên nhiều chính quyền phong kiến các nước phương Đông cấm đạo, sát đạo - Ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn nhiều lần cấm đạo.
Các giáo sĩ, công đầu là A. de Rhodes đã có công la tinh hoá chữ Việt, tiếng Việt thành chữ quốc ngữ từ thế kỷ XVII. Cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam có công phát triển chữ quốc ngữ thành công cụ không chỉ để truyền giảng Phúc âm, mà là lợi khí để phát triển văn hoá dân tộc. Ngày nay cộng đồng Thiên chúa giáo và Tin lành ở Việt Nam chiếm khoảng 6% dân số cả nước, nhưng ảnh hưởng về tinh thần, đạo đức của tôn giáo này đối với xã hội chắc chắn vượt ra ngoài phạm vi 6% dân số. Từ Công đồng Vatican II (1965), đến Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam (1980) và Sám hối của Giáo hoàng Jean Paul II đầu năm 2000, cộng đồng Thiên Chúa giáo đã phản tỉnh, sống Phúc âm trong lòng dân tộc, trở về với dân tộc, góp phần thực thi chính sách tự do tín ngưỡng, đại đoàn kết dân tộc, hoà đồng tôn giáo và không tín ngưỡng.
2. Chủ nghĩa nhân văn và thể chế dân chủ tư sản:
Thực ra Nho giáo đề cao chữ Nhân, Phật giáo quan tâm đến con người, giải thoát khỏi những khổ lụy, đã hội nhập vào những giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn năm nên chủ nghĩa nhân văn không phải hoàn toàn xa lạ với giới trí thức và nhân dân Việt Nam. Cái mới là cách tiếp cận bằng phương pháp tư duy hệ thống của nền triết học phương Tây, cách đặt và giải quyết vấn đề con người, giải phóng con người khỏi những ràng buộc về chính trị, xã hội, tinh thần với tư cách là con người cá thể, vươn tới tự do, làm chủ thiên nhiên, xã hội và bản thân. Đến đầu thế kỷ XX Tân thư mới qua đường Trung Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam. Tư tưởng của Lư Thoa (Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu) mới dần dần len lỏi vào đầu óc các bậc sĩ phu yêu nước, thức thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can v.v… Phải đến thế hệ chuyển tiếp từ cựu học sang tân học, cuối cùng Tây học thắng thế, tầng lớp trí thức mới hình thành vào thập niên 20 – 30, tư tưởng nhân văn, dân chủ tư sản mới bén rễ, ăn sâu vào xã hội Việt Nam.
Lý tưởng của Đại Cách mạng Pháp - Tự do, Bình đẳng, Bác ái – là cao đẹp, nhưng những điều bọn thực dân nhân danh những kẻ “khai hoá văn minh” đem thực thi ở nước ta là áp bức, bất công, phản trắc. Vì vậy, Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Cộng hoà, Dân chủ v.v… trở nên vô nghĩa chừng nào đất nước còn bị nô lệ.
3. Tiếp thu Chủ nghĩa Mác – Lênin:
Trong hoàn cảnh mất nước, phải đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Lênin. Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hoà hội Paris Yêu sách của nhân dân Việt Nam. Các nước đế quốc thắng trận làm ngơ. Năm 1920 Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Người hồi tưởng lại: Luận cương của Lênin làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Cool. Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” (9).
Đó là con đường của Hồ Chí Minh, cũng là con đường của nhiều nhà yêu nước, của nhiều chiến sĩ cách mạng Cộng sản tiền bối. Quy luật lịch sử hình thành Đảng Cộng sản ở Việt Nam cũng là sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước, phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác – Lênin.
Có một dấu nối giữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với chủ nghĩa xã hội, giữa Nho giáo với chủ nghĩa Mác – Lênin, thông qua một thế hệ những con người bằng xương bằng thịt, phần nhiều trong số họ xuất thân từ những gia đình Nho học yêu nước. Lý tưởng về một thế giới đại đồng, một xã hội nhân bản, mọi người bình đẳng, thân ái của Nho giáo có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng về một xã hội Cộng sản. Cả mặt ưu điểm và hạn chế trong quá trình tiếp thụ và chuyển tải tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam cũng ở đây.
Không có một cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, triết học nào giữa tư tưởng truyền thống (Nho - Phật - Đạo) với tư tưởng mới là chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực ra những người cộng sản thế hệ tiền bối là những nhà cách mạng hoạt động thực tiễn, từ Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn đều như vậy. Họ không có đủ điều kiện bàn luận nhiều về hệ thống triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của K. Marx, F. Engels, V. I. Lênin, chỉ hiểu, thừa nhận nó để vận dụng trong thực tiễn hoạt động cách mạng, xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng (chính trị và vũ trang), giành và giữ chính quyền v.v… (10). Thật ra cách nói “Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin” là một cách diễn dịch đơn giản đã trở thành thói quen. Thử hỏi trong số 5000 đảng viên thời kỳ cách mạng Tháng Tám 1945, trong số hơn 2 triệu đảng viên hiện nay mấy ai đã học, hiểu thấu đáo các tác phẩm của Mác, Ăng – ghen, Lênin? Lênin toàn tập đến những năm 80 mới được dịch và xuất bản. Đó là điều đáng quý, nhưng lại vào lúc chủ nghĩa xã hội khủng hoảng, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã. Những bộ sách trên chỉ dành cho số ít nhà chuyên môn, sách nằm trên kệ ở các thư viện, đảng viên thường ít đọc.
Thuật ngữ Marxism – Leninism (chủ nghĩa Mác – Lênin) lần đầu tiên được nêu lên tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (năm 1925). Những điều mà chúng ta tiếp thu được từ chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin thực tế là qua những bài giảng của Stalin ở Trường Đảng cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô những năm 30. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo của Stalin, các bộ sách giáo khoa về Triết học Mác – Lênin (phần chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội), Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô được biên soạn. Ở phương Tây từ rất lâu (những năm 40, 50) người ta đã gọi đó là Stalinism - chủ nghĩa Stalin. Lúc sinh thời Stalin cũng không thừa nhận điều này, ông chỉ tự coi là người học trò, người kế tục sự nghiệp của Lênin.
Ở Việt Nam chủ nghĩa Lênin đã trở thành “cẩm nang thần kỳ”, là ánh đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã dứt khoát lựa chọn: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin” (11)
Chủ nghĩa Mác cho ta phương pháp luận khoa học, cách mạng, đó là phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chủ nghĩa Lênin soi rọi, chỉ đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, nhiều phương pháp khoa học tổ chức hoạt động cách mạng thực tiễn. Chủ nghĩa Stalin cho ta hiểu Mác, hiểu Lênin, giúp hoạt động thực tiễn. Hoàn cảnh một nước thuộc địa nửa phong kiến chưa qua cách mạng dân chủ tư sản như nước ta, chừng nào đó gần với hoàn cảnh nước Nga và Liên Xô nên dễ chấp nhận chủ nghĩa Stalin, cũng dễ hiểu.
Điểm qua quá trình giao lưu, tiếp nhận các trào lưu tư tưởng từ phương Đông, phương Tây như trên, trong sáu luồng tư tưởng (tạm gọi như thế, chắc chắn là không chính xác) thì đến năm (Nho, Phật, Lão, Thiên Chúa giáo, Dân chủ tư sản) chúng ta tiếp nhận trong thế bị động, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lênin là do người Việt Nam chủ động tìm đến, tiếp nhận và truyền bá vào nước ta trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt những năm 20, 30 khi đất nước còn dưới ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân, yêu cầu cấp thiết hàng đầu là Độc lập dân tộc. Vì vậy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã gặp gỡ chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Stalin, rồi mới trở lại chủ nghĩa Mác.
Trong quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, vận dụng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (12)
Xét về mặt đạo đức xã hội, chủ nghĩa Mác – Lênin đã trang bị cho nhiều thế hệ các nhà cách mạng Việt Nam tư duy lý luận khoa học mới lạ, sắc bén, hơn hẳn các tư tưởng trước đây. Thế giới quan, nhân sinh quan, phép biện chứng duy vật, duy vật lịch sử, cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động v.v… đã được tiếp nhận, vận dụng nhuần nhuyễn vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, kết hợp vớI chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thành lý tưởng, niềm tin, đưa chúng ta đến thắng lợi. Trong các mối quan hệ xã hội có thêm vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp, tình đồng chí, nam nữ bình đẳng, chủ nghĩa quốc tế vô sản v.v…
Trong suốt mấy chục năm hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thanh niên, thiếu nhi. Người đã khéo sử dụng những khái niệm đạo đức của Nho giáo vốn đã quen thuộc với nhân dân ta từ hàng ngàn năm mà lồng vào những nội dung mới có tính chất cách mạng như Trung, Hiếu, Chí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư v.v… Đó là những mẫu mực và những bài học đạo đức còn giá trị cho ngày hôm nay.
Nhiều nơi, nhiều lúc chúng ta chưa chú ý đúng mức đến giáo dục đạo đức cá nhân, hành vi đạo đức v.v… Cũng có lúc vơ đũa cả nắm, cho rằng những khái niệm đạo đức cũ (tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức…) là phong kiến, cổ hủ, lỗi thời, lạc hậu, cần vức bỏ. Chính sách của nhà nước trước sau đều tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng một thời nhiều địa phương trường học, dẹp bỏ hết các lễ hội … Gần đây có nhiều hoạt động tìm về dân tộc, đánh giá và tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống.
" đây chi là tài liệu sưu tầm, các bạn cho ý kiến nha" (thanks các ban đã đọc
huuloctcnn1
huuloctcnn1

Tổng số bài gửi : 6
Join date : 15/05/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết