Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Go down

BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM Empty BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Bài gửi  huongthao_duong 18/5/2010, 11:32

1. Bản là cái gốc, cái căn bản, cái lõi, cái hạt nhân của một sự vật

Sắc là thể hiện ra ngoài. Nói bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam tức là nói những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của dân tộc Việt Nam. Nói những hạt nhân giá trị hạt nhân tức là không phải nói tất cả mọi giá trị, mà chỉ là nói những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, chúng mang tính dân tộc sâu sắc đến nỗi chúng biểu hiện trong mọi lĩnh vực của nền Việt Nam, trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, sân khấu, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hằng ngày của người Việt Nam.

Những giá trị hạt nhân đó không phải tự nhiên mà có, mà được tạo thành dần dần và được khẳng định trong quá trình lịch sử xây dựng, củng cố và phát triển của nhà nước dân tộc Việt Nam. Những giá trị đó không phải là không thay đổi trong quá trình lịch sử. Có những giá trị cũ, lỗi thời bị xóa bỏ, và có những giá trị mới, tiến bộ được bổ xung vào. Có những giá trị tiếp tục phát huy tác dụng, dưới những hình thức mới. Dân tộc Việt Nam, với tư cách là chủ thể sáng tạo, thường xuyên kiểm nghiệm những giá tri hạt nhân đó, quyết định những thay đổi và bổ sung cần thiết, tái tạo những giá trị đó từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Không nên có tư tưởng tĩnh và siêu hình đối với những giá trị hạt nhân đó, thậm chí đối với những giá trị mà chúng ta vốn cho là thiêng liêng nhất. Nếu dân tộc không có ý thức giữ gìn, bồi dưỡng, tái tạo để trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thì chúng cũng bị mai một và tàn lụi đi. Chúng ta thử so sánh bản sắc chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong những người cuộc Cách mạng Tháng tám sôi sục, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ với cái gọi là "Bản sắc" chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong những năm tháng cuối đời nhà Nguyễn thì thấy rõ. Hay là đối với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời kỳ Lê Mạt với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời Lý-Trần. Không thể nói, đấy là cùng một bản sắc chủ nghĩa yêu nước được!

Có người hỏi có thể có những giá trị bản sắc là tiêu cực, hay là đã nói bản sắc là nói cái gì tiến bộ, tích cực, xứng đáng được trao truyền và thừa kế.

Như trên vừa nói, không nên có cái nhìn tĩnh tại và siêu hình đối với bản sắc dân tộc. Cái gì sống đều thay đổi và phải thay đổi. Bản sắc dân tộc cũng vậy. Giai cấp lãnh đạo phải sáng suốt và chủ động đối với quá trình diễn biến của bản sắc dân tộc. Những giá trị nào lỗi thời phải xóa bỏ, những giá trị mới nào cần bổ sung thêm vào, những giá trị nào cần kế thừa, nhưng dưới một hình thức mới, và hình thức mới đó thêm ra sao? Trong những bước chuyển cách mạng, những sự kiện đổi đời của dân tộc ta như cuộc cách mạng Tháng tám, chiến thắng của Ngô Quyền kết thúc đêm dài mười thế kỷ Bắc thuộc, sự kiện Tây Sơn v.v..., bộ phận lãnh đạo của dân tộc thời bấy giờ phải nghiêm túc kiểm nghiệm lại những giá trị bản sắc đương thời của dân tộc. Không phải không có lý do mà sau 10 thế kỷ Bắc thuộc, bộ phận lãnh đạo của dân tộc thời bấy giờ đã gạt bỏ Nho giáo và chấp nhận tư tưởng Phật giáo. Cũng với những lý do xác đáng, dân tộc ta kinh qua cuộc cách Mạng tháng tám đã chấp nhận hệ tư tưởng Mác-Lênin như là dòng tư tưởng chủ lưu hiện nay của mình.

Những cuộc kiểm nghiệm như thế cũng cần được tiến hành khi xảy ra giao tiếp văn hóa rộng rãi giữa các nền văn hóa khác nhau, thí dụ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Xô Viết, văn hóa Việt Nam và văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, văn hóa Việt Nam và văn hóa Âu, Mỹ...không có biên giới. Thời đại hiện nay là thời đại của kỹ thuật giao thông liên lạc và thông tin cực kỳ phát triển. Trái đất như bị thu nhỏ lại hàng mấy trăm lần, so với chục năm về trước. Do đó sự tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc sống cách xa nhau là tất nhiên và tất yếu. Qua những cuộc tiếp xúc đó, bản sắc văn hóa của cac dân tộc đều có sự thay đổi, bên cạnh những cái khẳng định. Thật là vô lý nếu chúng ta gạt bỏ mọi yếu tố tiến bộ và hay đẹp của văn hóa nước khác chỉ vì chúng là ngoại lai. Nhưng cũng sẽ là vô lý hơn, nếu chúng ta tiếp thu hàng loạt không có phê phán mọi yếu tố của văn hóa nước ngoài, chỉ vì chúng là mới lạ, tân kỳ.

Những yếu tố tiến bộ của văn hóa nước ngoài, một khi đã được dân tộc ta chấp nhận và biến thành sở hữu của mình rồi, thì chúng có thể trở thành một bộ phận của giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Không ai có thể phủ nhận rằng, nhiều yếu tố Phật giáo, Nho giáo cũng như Mác-Lênin, mặc dù bắt nguồn từ nước ngoài, nhưng đã trở thành bộ phận khăng khít của bản sắc dân tộc và văn hóa Việt Nam, đã được dân tộc Việt Nam biến thành sở hữu thật sự của mình. Nói tóm lại, cái lỗi thời nhưng không được cải tiến, cái tốt nhưng lại bị cường điệu, cái tốt ngoại lai nhưng không được bản địa hóa nhuần nhuyễn đều có thể biến thành tiêu cực và tạo trở ngại cho sự phát triển bình thường của nền văn hóa dân tộc. Vì vậy, mà chúng tôi khẳng định, những giá trị bản sắc của dân tộc Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam cần phải được bộ phận lãnh đạo của dân tộc thường xuyên kiểm nghiệm, theo dõi, gìn giữ, cải tiến, bổ sung, gạt bỏ những cái lỗi thời, đổi mới những hình thức không còn thích hợp, tiếp thu và bản địa hóa mọi tinh hoa của văn hóa nước ngoài... khiến cho những giá trị gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc ta phát huy tới mức cao nhất của hai tác dụng xúc tác và hội tụ, đối với sự phát triển toàn diện và mọi mặt của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tác dụng xúc tác là tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển. Tác dụng hội tụ là tác dụng gắn bó, kết hợp với mặt, các yếu tố thành một hệ thống nhất.

2. Nếu chúng ta nhất trí được về định nghĩa bản sắc như trên, thì có thể dịch ra các từ tương đương bằng tiếng Pháp và tiếng Anh như sau:

Pháp: Identité culturelle Vietnamienne (Từ Vietnamienne dịch cả hai chữ dân tộc và Việt Nam).

Cũng có thể dịch là: Spécefités nationales de la culture Vietnamienne hay Spécefités culturelles Vietnamiennes.

Anh: National specific features of Vietnamese culture.

3. Phương pháp luận xác định bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam

Việc nghiên cứu bản sắc của văn hóa Việt Nam, đòi hỏi chúng ta về mặt phương pháp luận khoa học, trước tiên phải xác định phạm vi của dân tộc, là cộng đồng của tất cả mọi tộc người sống trên dãy đất Việt Nam hiện nay, hay là cộng đồng người Kinh mà thôi. Đa số ý kiến cho rằng, bước đầu tiên nên hạn chế trong phạm vi cộng đồng người Kinh mà thôi.

Thứ hai, là phải tiến hành nghiên cứu nền văn hóa của cộng đồng người Kinh như một toàn bộ, trên cơ sở thu nhận nhiều tư liệu về tất cả mọi lĩnh vực của nền văn hóa Việt Nam, vật chất và tinh thần, chính trị, xã hội, kinh tế, tôn giáo, văn hóa (nghĩa hẹp), phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa dân gian v.v...

Bước thứ ba là xử lý những tư liệu.

Bước thứ tư là quy nạp, đúc kết ra những gì có thể là những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất của nền văn hóa Việt Nam, như đã định nghĩa ở đoạn đầu của bài này.

Khi quy nạp, có thể dùng các phương pháp thống kê định lượng, phương pháp về quy luật các con số lớn... Cũng có thể dùng những dấu hiệu khác nhau để nhận diện những giá trị "bản sắc", thí dụ dấu hiệu phản ứng tâm lý bén nhạy. Những giá trị gây được phản ứng tâm lý bén nhậy nhất trong mỗi con người Việt Nam thì được đánh giá là giá trị bản sắc. Một thí dụ: những giá trị như nền độc lập, tự do và thống nhất của tổ quốc, lòng yêu tổ quốc, tình yêu quê hương thường gây phản ứng rất bén nhậy trong tâm hồn mỗi người Việt Nam. "Không có gì quý hơn độc lập tự do", lời nói của Hồ Chủ Tịch, cũng là một hình thức bản sắc dân tộc Việt Nam được đúc kết lại. Nói đến nền độc lập tự do của tổ quốc bị đe dọa, thì người Việt Nam chân chính nào lại không rung động, không sẵn sàng hy sinh để bảo vệ, dù người Việt Nam đó đang ở bên kia Đại dương. Được tin quân đội ta đánh thắng quân Mỹ một trận giòn giã, người Việt Nam nào lại không cảm thấy tự hào trong lòng.

Có người cho rằng, một dấu hiệu cho phép nhận diện bản sắc dân tộc là có những giá trị bản sắc tồn tại lâu dài, qua hàng trăm, nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều biến thiên, biến cố, những giá trị đó vẫn tồn tại như vậy, không bị may một. Tư tưởng đó thể hiện trong câu thơ của Tố Hữu:

"Bốn nghìn năm ta lại là ta."

Nhưng cũng có người cho rằng không có những giá trị cố hữu và mãi mãi tồn tại. Mọi giá trị đều là sản phẩm của lịch sử, và phải chịu sự chi phối của quy luật lịch sử, nghĩa là có thay đổi, kể cả những giá trị được cho là thiêng liêng nhất, nếu chúng ta không biết giữ gìn, trân trọng chúng thì chúng cũng bị mai một và tàn lụi đi.

Có người cho rằng, nên tìm ra không phải là từng giá trị riêng lẻ, mà là cả một hệ giá trị (système de valeurs) đóng vai trò bản sắc của nền văn hóa Việt Nam. Nói một hệ giá trị tức là nói những giá trị đó tác động như một toàn bộ, và chúng có thể chuyển đổi nhau, hỗ trợ nhau cùng phát huy tác dụng. Thí dụ, lòng yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, tình người (nhân ái), thái độ yêu lao động, ham học hỏi, không cố chấp hẹp hòi. Nếu xét kỹ, chúng ta thấy những giá trị đó gắn bó với nhau rất chặt chẽ, thậm chí có thể chuyển đổi cho nhau. Đúng như vậy, thực là khó phân biệt tách bạch những giá trị như tình yêu quê hương, lòng yêu nước, tình yêu đồng loại, tình người. Và cũng như thế, đã yêu nước thì phải yêu lao động, làm cho đất nước ngày càng thêm giàu mạnh, đẹp đẽ, và muốn lao động có hiệu quả cao thì phải ham học hỏi để nắm văn hóa, nắm kỹ thuật. Và muốn học hỏi cho có kết quả thì phải có đầu óc phóng khoáng, không hẹp hòi, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ, không kể là từ đâu đến, ở đây, cần nói thêm một điểm là tình người, tình nhân ái, nếu phát huy cao độ sẽ trở thành tình nhân loại, anh em bốn biển đều là người một nhà. Người Việt Nam giàu tình nhân bản, đồng thời cũng giàu lòng hiếu khách, không bài ngoại...

Nhà xã hội học, khi giải quyết vấn đề xác định bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam có thể bước đầu đề xuất một số giả thuyết để làm việc (Hypothèse de travail), kiểu như chúng tôi vừa nêu ra trên đây, như lòng yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, yêu người, yêu lao động, ham học hỏi (tình yêu người đi đôi với lòng hiếu khách, không bài ngoại). Những giả thuyết để làm việc không thể không mang ít nhiều tính chủ quan của những người có vốn sống, vốn văn hóa, đã thực nghiệm trực tiếp một số những giá trị bản sắc, nhưng chưa đặt vấn đề nghiêm cứu và sắp xếp có hệ thống.

Sau khi nêu lên những giả thuyết để làm việc rồi, nhà khoa học cũng phải thu thập, xử lý rất nhiều tài liệu cụ thể nhằm chứng minh (hay là nếu cần thiết thì phủ định hoặc cải tiến) những giả thuyết ban đầu, hoàn thiện chúng, hoàn chỉnh chúng.

Cuối cùng, nhà khoa học phải chứng minh rằng những giá trị bản sắc đó không phải ngẫu nhiên mà hình thành và phát triển ở Việt Nam, chúng là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh địa lý lịch sử và chính trị. Thí dụ, hoàn cảnh địa lý chính trị một dân tộc Việt Nam, một nước Việt Nam nằm sát cạnh một nước Trung Hoa khổng lồ, một dân tộc Hán đông nhất thế giới, tự cao tự đại về một nền văn hóa, văn minh cổ xưa, tự cho mình là nước trung tâm của trời đất, là dân tộc thượng đẳng, có trách nhiệm trời ban phải giáo hóa mọi dân tộc theo đúng lễ nghĩa của đạo Khổng. Một hoàn cảnh địa lý chính trị như vậy bắt buộc nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam muốn giữ vững độc lập, muốn khỏi bị đồng hóa, phải nuôi dưỡng lòng yêu nước nồng nàn, tình quê hương thắm thiết, tình thương đồng bào sâu sắc (bầu ơi thương bí lấy cùng...), nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng...), phải như ba cây chụm lại, như bó đũa buộc chặt, mới không có nguy cơ bị đổ, gãy. Chính kế thừa truyền thống đoàn kết dân tộc mà Hồ Chủ Tịch có câu:

"Đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công đại thành công."

Đồng thời hoàn cảnh địa lý và thiên nhiên khắc nghiệt cũng buộc dân tộc ta muốn sinh tồn và phát triển phải lao động cần cù và sáng tạo trên cơ sở một tinh thần tập thể và cộng đồng rất cao, để có thể chế ngự sông Hồng bằng một hệ thống đê điều chằng chịt, lấn biển, lấn núi, và Nam tiến. Trong một hoàn cảnh chính trị địa lý như thế, dân tộc Việt Nam đâu có phải đợi Khổng giáo, hay đợi có chủ nghĩa tư bản mới hình thành. Ở đây, mọi tư tưởng giáo điều đối với Khổng giáo hay là đối với các chủ thuyết phương Tây đều có hại...

Trên đây là một số ý kiến sơ khởi về khái niệm bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam, về những giá trị bản sắc của dân tộc Việt Nam, của nền văn hóa Việt Nam (hai khái niệm này đều đồng nghĩa), về phương pháp luận khoa học có thể được áp dụng để nghiên cứu vấn đề, đồng thời cũng thử đề xuất một số giả thuyết để làm việc, trong khi chờ đợi thu thập và xử lý mọi dữ kiện cần thiết

huongthao_duong

Tổng số bài gửi : 1
Join date : 17/05/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết