Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

tài liệu tham khảo cho đề tài phát triển kte bien nè

Go down

tài liệu tham khảo cho đề tài phát triển kte bien nè Empty tài liệu tham khảo cho đề tài phát triển kte bien nè

Bài gửi  ngochan210 19/5/2010, 16:26

Đề tài 1: Phát triển kinh tế biển
I. HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN:
Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, một biển lớn và thuộc loại quan trọng nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như của thế giới. Từ bao đời nay, vùng biển, ven biển và hải đảo đã gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất và đời sống của dân tộc Việt Nam. Theo Tuyên bố ngày 12/7/1977 của Chính phủ Việt Nam và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 thì nước Việt Nam có một vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển và ven biển nước ta có vị trí hết sức quan trọng cả về kinh tế, chính trị và an ninh - quốc phòng, nên từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và hải đảo.
Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở cửa, các lĩnh vực kinh tế biển cũng được tăng cường và đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. So với thời kỳ trước, kinh tế biển của Việt Nam trong giai đoạn đổi mới vừa qua đã có bước chuyển biến đáng kể. Cơ cấu ngành nghề đang có sự thay đổi lớn. Ngoài các ngành nghề truyền thống, đã xuất hiện nhiều ngành kinh tế biển gắn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại như khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ, vận tải biển, du lịch biển - đảo và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... Việc khai thác nguồn lợi biển đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước, nhất là cho xuất khẩu (dầu khí, hải sản...). Kinh tế biển đã được chú ý hơn và các công việc về biển đã làm được nhiều hơn (hoạch định biên giới trên biển, ban hành khung luật pháp, phát triển các hải đảo kết hợp bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển).
Sự phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng là:

1. Đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản:
Đây là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, với vùng biển có nguồn sinh vật đa dạng, phong phú, trữ lượng hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta khoảng 3,5-4,1 triệu tấn, hàng năm có thể khai thác 1,5-1,67 triệu tấn, đồng thời có diện tích nuôi lớn, khoảng 76 vạn ha. Trong 10 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, sản lượng thuỷ sản tăng 7,7%/năm, sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Hệ thống hậu cần nghề cá đã có những chuyển đáng kể, đặc biệt là hệ thống các cảng cá được xây dựng suốt dọc bờ biển. Đã triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản như cấp giấy phép khai thác thuỷ sản; kiểm tra theo dõi giám sát các hoạt động nghề cá trên biển; kiểm tra giám sát an toàn cho người và phương tiện nghề cá trên biển.
Nghề nuôi trồng hải sản đã có bước phát triển khá, tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng, ở cả 3 vùng nước lợ, mặn, ngọt (sản lượng nuôi trồng đã tăng 16%/năm). Nuôi trồng hải sản đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cớ cấu kinh tế nông thôn ven biển; chất lượng và giá trị của sản phẩm nuôi trong thuỷ sản xuất khẩu ngày càng cao, nhất là tôm, đảm bảo an ninh thực phẩm, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, tạo việc làm góp phần xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2003, sản lượng nuôi trồng đạt 1,1 triệu tấn, gấp 1,9 lần so với năm 1998.
Công nghiệp chế biến hải sản, đặc biệt chế biến xuất khẩu đã làm tốt vai trò mở đường và cầu nối, tạo thị trường để nuôi trồng khai thác hải sản phát triển. Đến nay, đã có 390 nhà máy chế biến thuỷ hải sản, trong đó hàng trăm nhà máy được công nhận đạt tiêu chuẩn, và 60% cơ sở chế biến được công nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành. Năm 2003, xuất khẩu hải sản đạt trên 2 tỷ USD; gấp 3,9 lần năm 1998.
2- Kinh tế Hàng hải

Việt Nam đã xây dựng được đội tàu biển quốc gia với tổng trọng tài là 2.322.703 DWT (gấp 2 lần số lượng tàu và 2,3 lần về trọng tải so với 1997, bình quân tăng 6,4% về số lượng và 11% về trọng tải/năm). Nòng cốt của đội tàu biển quốc gia là đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES), với số lượng đội tàu trọng tải khoảng 1.125.159 DWT, chiếm khoảng 50% tổng trọng tải của đội tàu quốc gia. Không chỉ tăng năng lực vận tải mà còn có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu, chất lượng đội tàu, tạo thêm thị trường và trực tiếp tham gia thị trường khu vực, khách hàng nước ngoài đã sử dụng trên 50% năng lực đội tàu của Việt Nam.
Qui mô cảng ngày càng tăng, cuối năm 1995 nước ta chỉ có hơn 70 cảng biển, thì đến nay Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cảng biển gồm hơn 90 cảng lớn nhỏ với 25.617 m cầu bến, trải dài từ Nam chí Bắc; ngoài ra còn có trên 10 khu chuyển tải để tăng cường khả năng thông qua của hàng hoá và tạo điều kiện cho những tàu có trọng tải lớn ra vào cảng dễ dàng, an toàn. Khối lượng hàng hoá qua cảng tăng nhanh, năm 1991 là 17,9 triệu tấn; năm 1995 tổng năng lực thông qua là 52,40 triệu tấn/năm; năm 1999 đạt 63 triệu tấn và đến hết năm 2002, tổng công suất qua cảng của Việt Nam hơn 100 triệu tấn/năm, tốc độ tăng bình quân 17%/năm. Bước đầu hiện đại hoá phương tiện xếp dỡ, qui hoạch và sắp xếp lại kho bãi, xây dựng và nâng cấp thêm các cầu cảng nên năng lực xếp dỡ được nâng cao, giải phóng tàu nhanh. Một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng như Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ. So sánh với quốc tế, nhìn chung quy mô cảng còn nhỏ nhưng thời gian qua hệ thống cảng biển Việt Nam đã đảm nhiệm thông qua hầu hết lượng hàng ngoại thương của ta và hỗ trợ một phần việc trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Lào, góp phần đưa nước ta từng bước tiếp cận và hội nhập với khu vực và thế giới. Hơn 80% khối lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển thông qua hệ thống cảng biển.
3- Công nghiệp Tàu biển

Trình độ, năng lực đóng, sửa chữa tàu so với trước đây đã có tiến bộ vượt bậc, hiện đại hoá một bước theo hướng tập trung quy mô lớn, bước đầu có phân công chuyên môn hoá, vươn ra đóng tàu cỡ lớn, chuyên dùng đạt chất lượng đăng kiểm quốc tế. Một số doanh nghiệp đang đầu tư lớn hiện đại để đóng tàu lớn (3 - 5 vạn tấn). Liên doanh Vinashin - Huyndai đã chính thức đi vào hoạt động được 2 ụ tàu có thể sữa chữa tàu từ 50.000 đến 400.000 tấn.
4- Nghề làm Muối:

Bờ biển dài 3.260 km, đã có 20 tỉnh thành có nghề sản xuất muối biển với tổng diện tích 15.000 ha và trên 80 ngàn lao động nghề muối. Đã sản xuất được bình quân 800 ngàn tấn đến 1,2 triệu tấn/năm). Một số đồng muối ở miền Trung nước ta được đánh giá là muối sạch, ngon của thế giới, có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn muối công nghiệp và muối sách cho tiêu dùng.
5- Công nghiệp Dầu khí

Ngành dầu khí là một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển, có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Đã xác định tiềm năng và trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 3 - 4 tỷ m3 dầu quy đổi, trong đó 0,9 - 1,2 tỉ m3 dầu và 2100 - 2800 tỷ m3 khí. Năm 2003 đã thác 17,6 triệu tấn dầu thô và 2,17 tỷ m3 khí; xuất khẩu dầu thô đạt 17,143 triệu tấn. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với công suất tối đa 7 tỷ m3 khí/năm đã hoàn thành vào cuối năm 2002, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ. Trong giai đoạn 2003 - 2004 sẽ cung cấp 2,1 - 2,7 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện Phú Mỹ. Đang triển khai xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh với công suất khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, sẽ hoàn thành vào năm 2004 nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ khí ở miền Đông Nam Bộ.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ dầu khí cũng từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành như: dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ sửa chữa thiết bị dầu khí, dịch vụ dung dịch khoan, vật tư, hoá phẩm cho khoan, dịch vụ phân tích các loại mẫu, gia công chế tạo, lắp ráp các khối chân đế giàn khoan, xây lắp và bảo dưỡng các công trình biển, xây lắp các đường ống dẫn dầu khí; bảo hiểm dầu khí, cung cấp lao động và dịch vụ sinh hoạt đã được xây dựng.
6- Du lịch biển

Hàng năm, vùng biển thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc tế, với tốc động tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/năm. Năm 1997, số lượt khách du lịch quốc tế đến vùng biển đạt 2,1 triệu người, năm 2000 đạt 3,29 triệu người, năm 2002 đã đón khoảng 5,3 triệu lượt người ; riêng năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS, số khách đạt khoảng 4,7 triệu lượt, giảm so với năm 2002. Khách du lịch quốc tế đến các khu vực trọng điểm du lịch tăng nhanh, riêng khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng và Huế-Đà Nẵng tăng 41%/năm; Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 22,6%.
Đối với khách du lịch nội địa, biển thu hút tới trên 50% số lượt, với tốc độ tăng trung bình thời kỳ 1994-2003 là 16%/năm. Năm 1997, toàn vùng đón được 5,7 triệu lượt khách, năm 2000 đón 7,46 triệu lượt, năm 2002 đạt 10, 8 triệu lượt và năm 2003 tới 12,4 triệu lượt khách.

II. TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN:

Mặc dù kinh tế biển của nước ta đạt được những kết quả bước đầu không nhỏ, nhưng nhìn chung quy mô kinh tế biển của Việt Nam còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp. Nếu so với các nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam còn thấp thua nhiều mặt. Đến nay quy mô kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của nước ta. Xét về giá trị tuyệt đối, giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển của Việt Nam so với giá trị từ hoạt động kinh tế biển của một số nước đều ở mức thấp hoặc rất thấp. Cho đến nay, nghề biển Việt Nam vẫn chủ yếu là nghề truyền thống và ước tính chiếm khoảng trên 60% GDP do kinh tế biển tạo ra. Các nghề mới như khai thác dầu khí, nuôi trồng hải sản đặc sản, du lịch biển đang trong quá trình phát triển bước đầu. Các nghề biển hướng tới tương lai như năng lượng sóng thuỷ triều, dược liệu biển, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hoá chất và dược liệu biển... chưa được nghiên cứu nhiều. Kỹ thuật tổng thể khai thác kinh tế biển vẫn còn ở trình độ rất thấp. Ô nhiễm biển, đặc biệt các vùng biển tập trung tài nguyên, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, vận tải biển và công nghiệp ven bờ... đang gây ra nhiều vấn đề đối với phát triển bền vững. Dịch vụ xây dựng hạ tầng biển và các công trình kỹ thuật khác của biển còn nhiều yếu kém. Tình hình trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải có một chiến lược phát triển kinh tế biển có căn cứ khoa học vững chắc, đáp ứng những nhiệm vụ tăng tốc phát triển kinh tế trong thời kỳ mới hiện nay.
Việc tập trung vào phát triển kinh tế biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không chỉ bởi thế kỷ XXI mà chúng ta đang bước vào được coi là thế kỷ đại dương, các quốc gia có biển đều nhất loạt hướng về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình; mà trên thực tế, biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, trong đó nổi bật lên các lợi thế là:

1. Vị trí chiến lược của biển - nhân tố địa lợi đặc biệt của sự phát triển. Việt Nam nằm ở rìa biển Đông, án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhận Bản và các nước trong khu vực, Biển Đông đóng vai trò là chiếc "cầu nối" cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế của thế giới. Sự ra đời của một loạt các nước công nghiệp mới, có nền kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực, những năm gần đây đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, mà trước hết là thông qua vùng biển và ven biển.

2. Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó phải kể đến dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội nhất của vùng biển Việt Nam. Mặc dù so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa phải là thật lớn, song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn khởi động nền kinh tế đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Dọc bờ biển đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng ÁÙng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải… Riêng khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ.
Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển đã xác định khoảng 125 bãi biển lớn và nhỏ thuận lợi cho phát triển du lịch, có dung lượng chứa khách cùng một lúc đến vài trăm ngàn người, trong đó có khoảng 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ…, rất thích hợp cho tắm biển và vui chơi giải trí trên biển. Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền.
Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 1.000 loài có giá trị kinh tế. Đến nay đã xác định 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển có trên 37 vạn héc ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Riêng diện tích cho nuôi tôm nước lợ có tới 30 vạn ha. Ngoài ra còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phá Tam Giang, Vịnh Văn Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Với tiềm năng trên trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn / năm.
Các tài nguyên khoáng sản khác (ngoài dầu khí) ven biển cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, titan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.

3. Nguồn nhân lực dồi dào ven biển là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển. Lao động trong độ tuổi có khoảng 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước.
Với tiềm năng sẵn có như trên, việc phát triển kinh tế biển nước ta cần tập trung vào:
- Huy động và phát huy tốt tất cả các nguồn lực để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế nhiều mặt của biển, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về kinh tế biển, hướng mạnh về xuất khẩu, góp phần tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
- Tạo bước "nhảy vọt" trong phát triển kinh tế biển. Kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo theo một chương trình liên kết có hiệu quả và hiệu lực cao.
- Phát triển và hiện đại hoá có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp có tính tới hợp tác quốc tế và hội nhập.
- Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng biển, ven biển và các hải đảo.
Mục tiêu phát triển tổng quát của phát triển kinh tế biển là đảm bảo ổn định và an toàn lãnh hải quốc gia, xây dựng vùng ven biển thành vùng kinh tế phát triển năng động, thúc đẩy các vùng khác trong cả nước phát triển với tốc độ nhanh và tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.

Hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế biển Việt Nam
(VFEJ)-Nếu không có hợp tác quốc tế, tiềm năng dầu khí của Việt Nam khó có thể được khai thác và tiêu thụ có hiệu quả; các nguồn hải sản của Việt Nam không dễ tiêu thụ trên thị trường thế giới, không dễ thu hút khách du lịch quốc tế...
Lợi thế địa lý hầu như chưa được khai thác

Việt Nam có các cảng nước sâu nổi tiếng như Cam Ranh, Vân phong, Thị Vải, Cái Lân song, đáng tiếc, đến nay mới chú trọng khai thác tài nguyên dầu khí, hải sản, du lịch... chứ hầu như chưa khai thác lợi thế địa lý kinh tế này.

Vùng biển Việt Nam từ Bắc chí Nam giáp giới với nhiều nước, với đường hàng hải quốc tế. Việt Nam đã liên doanh với nước ngoài, với Nga vào loại đầu tiên và xuất khẩu 100% sản phẩm. Lĩnh vực hải sản tuy không liên doanh với nước ngoài nhưng là lĩnh vực xuất khẩu có kim ngạch lớn.

Du lịch cũng thu hút hàng triệu triệu khách quốc tế tới các địa điểm du lịch ven biển và tiềm năng thu hút khách quốc tế còn lớn hơn nhiều. Các hải cảng lớn nổi tiếng là cửa ngõ với bên ngoài của đất nước. Nếu dừng quan hệ quốc tế, kinh tế biển nước ta sẽ ngưng trệ. Nó chỉ có thể phát triển cao khi các quan hệ quốc tế được mở rộng.

Ta có thể thấy ngay nếu không có hợp tác quốc tế, tiềm năng dầu khí của Việt Nam khó có thể được khai thác và tiêu thụ có hiệu quả, các nguồn hải sản của Việt Nam không dễ tiêu thụ trên thị trường thế giới, không dễ thu hút khách du lịch quốc tế...

Tất cả các lĩnh vực kinh tế biển nước ta cho đến nay đã mở rộng được chủ yếu là nhờ mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài. Có thể thấy trong quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có nhiều cố gắng đổi mới các chính sách thu hút FDI, thương mại, hải quan...

Tuy nhiên, có thể nói kinh tế biển Việt Nam cho đến nay vẫn còn đang phát triển dưới mức tiềm năng của nó, mà lý do chủ yếu vấn là cơ chế, chính sách chưa đủ thông thoáng để mở cửa vùng biển Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.

Vậy những định hướng mở cửa hội nhập kinh tế bển ở nước ta trong thời gian tới đây sẽ là gì? Những định hướng chung như phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn môi trường là những định hướng không cần bàn cãi. Nhưng kinh tế biển liệu có cần một cơ chế, chính sách đặc thù khác biệt với cơ chế, chính sách chung của Việt Nam không?.

Cho đến nay, cơ chế chính sách đối với kinh tế biển nói chung không có gì đặc thù đáng kể do với khung chính sách chung, đều trong khuôn khổ các luật quốc gia như Luật Đầu tư, Thương mại, Hải quan, tác dụng chung cho cả nước.

Đây là một vấn đề cần được xem xét, vì kinh tế biển khác với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp... Và do vậy chính sách đối với kinh tế biển cũng phải khác.

Điểm khác biệt quan trọng nhất là những ngành nông nghiệp, lâm nghiệp có thể phát triển hiệu quả trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế hạn chế. Còn kinh tế biển sẽ không thể phát triển được nếu mở cửa hạn chế.

Do vậy chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế của kinh tế biển phải sâu rộng hơn, phải có sự vượt trội hơn. Và chính sách mức độ sâu rộng, vượt trội và theo thông lệ quốc tế của các chính sách này sẽ làm cho kinh tế biển phát triển năng động và hiệu quả hơn. Mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn sẽ đảm bảo khai thác các tài nguyên biển Việt Nam hiệu quả hơn.

Nên lấy vùng ven biển làm trục phát triển

Việt Nam hiện có ba vùng kinh tế trọng điểm ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy cả ba vùng này đều có bờ biển nhưng còn hạn hẹp. Thực tế cho thấy, các vùng ven biển tiếp cận với đường hàng hải quốc tế đều là những vùng tăng trưởng.

Phương án phát triển tốt nhất đã được lựa chọn qua các thời kỳ là phát triển đúng hướng vào nội địa chứ không hướng ra biển, phát triển các đường Bắc- Nam, mạnh hơn Đông- Tây, quốc lộ 1, đường sắt Bắc- Nam, đường Hồ Chí Minh, đội tàu vận tải ven biển nhỏ bé và lạc hậu, các cảng biển quốc tế chỉ mở một cho mồi vùng Trung, Nam, Bắc.

Phương án này không còn phù hợp với hiện nay. Nên chuyển hướng phát triển, lấy vùng ven biển làm trục phát triển, lấy hành lang vận tải ven biển là trục chính, giảm bớt vận tải trên bộ.

Sự chuyển hướng phát triển này đòi hỏi phải sửa lại những quy hoạch đầu tư về vận tải, không phải lấy việc hiện đại hoá đường sắt, đường bộ Bắc- Nam là định hướng trước mắt mà lấy việc hiện đại hoá vận tải đường biển là định hướng chiến lược trước mắt.

Hiện đại hoá các đường bộ và đường sắt theo hướng Đông –Tây sẽ phục vụ cho các khu kinh tế, các thành phố mở lớn ven biển. Các tuyến vận tải Bắc –Nam cũng sẽ được phát triển hiện đại hoá nhưng chưa phải là ưu tiên trước mắt.

Nếu công ty của các nước lớn đầu tư khai thác ở các vùng biển nước ta về dầu khí, du lịch, nuôi trồng hải sản, vận tải biển...thì lợi ích của các nước này với Việt Nam sẽ được đan xen chặt chẽ.

Các ngành kinh tế biển phải được mở cửa, hội nhập sâu rộng. Ngành công nghiệp quan trọng trước hết phải được mở cửa và thu hút FDI như công nghệ đóng tàu. Việt Nam muốn vượt ra biển, muốn thông thương, phát triển thương mại quốc tế phải có đội tàu hùng mạnh và hiện đại, do vậy phải có công nghệ đóng tàu.

Hơn nữa, công nghệ đóng tàu ở Việt Nam có những lợi thế như nhiều cảng, có lực lượng lao động tiền lương thấp, công nghệ đóng tàu ở một số nước phát triển đã kém lợi thế so sánh nay đang muốn chuyển dịch sang nước khác...do vậy phải mở cửa hội nhập hơn nữa thì mới thu hút được công nghệ hiện đại hơn..

Bên cạnh đó, ngành du lịch phải được xem là ngành kinh tế biển trọng điểm và pair mở cửa hội nhập để các công ty nước ngoài vào đầu tư. Họ sẽ mang theo cách quản lý du lịch hiện đại và quan trong hơn cả là khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn.

Các ngành khai thác dầu khí, khoáng sản, hải sản... hiện rất quan trọng cho Việt Nam với cả chục tỷ USD doanh thu hàng năm nhưng phải thấy đây là ngành khai thác tài nguyên có hạn và trữ lượng của Việt Nam không lớn.

Như vậy hội nhập kinh tế quốc tế với Việt Nam là vô cùng quan trọng và thực tế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong hơn 20 năm qua đã cho thấy điều đó. Đối với kinh tế nước ta, mở cửa và hội nhập kinh tế còn quan trọng hơn, thậm chí quyết định sự phát triển của kinh tế biển. Chừng nào nhận thức này chưa thành thực tế thì chừng đó kinh tế biển Việt Nam vẫn chỉ phát triển hạn chế.
PGS.TSKH Võ Đại Lược (Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới)

Nhận dạng kinh tế biển Việt Nam
>> Lấy sức mạnh nhân dân để phát triển kinh tế biển
Theo Luật Biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của một nước có biển là 200 hải lý nên diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam gấp ba lần lãnh thổ trên bộ. Do đó kinh tế biển là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nước ta.
Chưa có tư duy gắn liền với biển
Tại các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển nhanh nhất hiện nay, ven biển luôn là vùng phát triển nhất. Các thành phố lớn phát triển trên thế giới phần lớn đều có cảng biển. Ngay tại nước ta, Hội An trước đây là một thành phố cảng, nhưng ngày nay trở thành phố cổ vì cảng Hội An không đủ sức tiếp nhận tàu bè và Đà Nẵng đã thay thế để làm cửa ngõ cho miền Trung.
Biên Hòa và Mỹ Tho có trước Sài Gòn, nhưng Sài Gòn có cảng sâu, có thể cho tàu viễn dương trọng tải đến 30 ngàn tấn cập bến nên Sài Gòn đã trở thành thành phố công nghiệp - thương mại dịch vụ phát triển nhất phía Nam. Điều đó nằm trong một quy luật: thành phố nhờ cảng để phát triển, cảng tồn tại nhờ sự phát triển của thành phố.
Nhìn dưới góc độ chiến lược kinh tế biển thì tiềm năng của chúng ta thật sự to lớn. Từ diện tích mặt nước, tài nguyên dưới biển, ngoài hải đảo và ở bờ biển đều có thể cho phép xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế biển với nhiều ngành nghề quan trọng khác nhau. Chỉ riêng về đánh bắt, nuôi trồng hải sản, khai thác năng lượng, khai thác dịch vụ du lịch dọc bờ biển và xây dựng các khu kinh tế, dịch vụ cảng, giao thông đường biển... đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, nhưng kết quả đó hoàn toàn chưa cân xứng với tiềm năng với nguồn tài nguyên cũng như ưu thế về biển cả của nước ta.
Vậy vấn đề gì cản trở sự phát triển và chúng ta còn thiếu điều kiện nào? Nếu suy nghĩ sâu hơn sẽ thấy một đất nước, một dân tộc đã sống tồn tại và phát triển hằng ngàn năm trên dải đất ven biển như thế mà cho đến nay vẫn chưa có một đội thương thuyền hùng mạnh, chưa có một cảng biển đủ mạnh khả dĩ làm cửa ngõ giao thương trực tiếp với năm châu bốn biển và làm cửa ngõ cho các nước, các vùng đất không có điều kiện ra biển (như Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Campuchia, vùng Tây Nam Trung Quốc).


Bờ biển nước ta đẹp như thế nhưng doanh thu ngành du lịch của ta vẫn còn kém nhiều nước xung quanh. Các khu kinh tế ven biển như khu kinh tế Dung Quất vẫn chưa trở thành động lực của khu vực.
Mặc dù là một dân tộc sống ven biển, nhưng tư duy của người Việt nặng về nông nghiệp. Phải chăng chúng ta chưa hình thành được tư duy của dân tộc gắn liền biển cả như người Nhật, Anh… Họ dám khám phá, dám ra khơi đương đầu với sóng gió và cũng biết vào bờ tránh bão theo quy luật sinh tồn của thiên nhiên.
Họ có ý chí nhưng không duy ý chí, luôn nắm bắt quy luật tự nhiên để hành xử theo đúng quy luật. Họ vừa mạnh dạn tiếp nhận cái mới từ bên ngoài, vừa sáng tạo ra cái mới từ bên trong, không cục bộ bảo thủ, tức là chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi toàn cục, tổng thể, lâu dài. Hôm nay, chúng ta bàn về kinh tế biển là đã quá chậm rồi!
Khi nói đến kinh tế biển là nói đến cảng nước sâu, khu kinh tế, sân bay tại các thành phố biển… nhưng nhiều nơi lại hay đua nhau xây dựng resort, sân goft ven biển để đón du khách. Những đề án đó xét về lý thuyết thì không sai, nhưng nhiều tỉnh thành đã đề ra các đề án phát triển tương tự nhau, nơi nào cũng có tiềm năng và đều muốn mời gọi đầu tư cả. Điều đó thật sự không ổn.
Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng luôn là “thượng đế”. Nguồn vốn của chúng ta có hạn nên không thể lãng phí vốn đầu tư. Do đó khi thực hiện đề án, thiết nghĩ cần phải xem xét ba yếu tố sau:
1. Khách hàng là người quyết định tất cả. Họ là người lựa chọn trên cơ sở so sánh lợi thế của chúng ta với các nơi khác. Đây chính là yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất mà chúng ta phải điều nghiên, cân nhắc để tiến hành đề án gì, ở đâu, quy mô cỡ nào, khách hàng là ai, những hệ quả kèm theo là gì… khi đề án được thực hiện.
2. Các điều kiện nội tại như cơ sở hạ tầng kinh tế (đường sá, điện, nước, thông tin), hạ tầng xã hội, luật pháp, hệ thống thủ tục hành chính… có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư hay chưa.
3. Còn có đề án nào hiệu quả hơn, thiết thực hơn khi thực hiện một đề án mà phải cạnh tranh với một đề án tương tự ở gần bên ta, nhất là cạnh tranh hay ảnh hưởng đến một đề án khác ngay trong nước ta.
Cần xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế biển
Bờ biển chúng ta như một cây cung, dây cung phải là hệ thống đường giao thông Bắc - Nam, vì vậy phải có hệ thống đường cao tốc (cả đường sắt lẫn đường bộ) để nối liền các thành phố ven biển, các khu kinh tế ven biển và với cả những vùng sản xuất sâu vào bên trong, và còn nối với tuyến đường xuyên Á để các nguồn hàng đổ về vùng cảng biển.
Nếu xây dựng một cảng biển nước sâu để làm cảng trung chuyển cho cả khu vực, có đủ sức cạnh tranh với cảng các nước trong vùng thì hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước sẽ tập trung về đó và còn thu hút được hàng hóa của nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, vùng Tây Nam Trung Quốc…
Muốn thực hiện được điều này, việc đầu tiên là phải tập trung phát triển hệ thống giao thông. Khi đã hình thành được hệ thống giao thông nêu trên thì các khu kinh tế ven biển hay trong lục địa sẽ mọc lên một cách tất nhiên. Song song với điều kiện trên, các chính sách kinh tế và các công cụ quản lý cũng phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển (như hải quan, tài chính tín dụng quốc tế…).
Nếu làm được như vậy, các ngành kinh tế, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước sẽ tự khắc chọn được những ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp nhất mà không phải chờ Nhà nước chỉ ra. Việc quy hoạch trước chỉ là mặt bằng, điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở tiện ích, là sự chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn.
Muốn biết môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi hay không, chỉ cần xem xét luật lệ và chính sách kinh tế vĩ mô và hệ thống quản lý hành chính, kinh tế. Vì vậy phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở phần mềm này đi trước một bước so với điều kiện phần cứng nêu trên, cũng nhằm để tạo niềm tin cho các đối tác nước ngoài đồng thời chuẩn bị việc đào tạo lực lượng cán bộ quản lý thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn kế tiếp.
Sức mạnh của thời đại hiện nay chính là tốc độ. Tư duy nhanh, nắm bắt tình hình chính xác và quyết đoán đúng, chúng ta sẽ nắm bắt được thời cơ của thời đại và mượn được lực của thời đại để phát triển đất nước.
Để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển, phải đặt nó trong chiến lược phát triển chung của quốc gia và xây dựng những chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể cho từng ngành kinh tế khác nhau, có đủ sức thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, nếu cần xây dựng một cảng trung chuyển đủ tầm cho quốc gia và quốc tế thì chỉ nên tập trung ở một nơi và đầu tư đủ tầm để đảm bảo hiệu quả, không thể đầu tư tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo cán bộ cho các ngành kinh tế liên quan là không thể chậm trễ.
“Lộ thông thì tài thông” là quy luật kinh tế muôn đời. Do đó, phải ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, hệ thống hành chính và luật lệ (các yếu tố trên được gói gọn trong từ “lộ thông”) để làm tiền đề cho chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta.

Miền Trung với trục kinh tế biển hùng mạnh
Lĩnh vực kinh tế biển hết sức rộng lớn, bao trùm nhiều mặt như giao lưu thương mại, đầu tư kinh tế kỹ thuật, sự hình thành các khu công nghiệp, đặc khu kinh tế, các chuỗi đô thị, hệ thống cảng biển, hệ thống dịch vụ, du lịch, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công trình an ninh quốc phòng, hệ thống công trình biển và thềm lục địa, khai thác khoáng sản, dầu khí, công nghiệp khai thác và chế biến hải sản.
Biển tác động đến khí hậu và ảnh hưởng lớn đến mùa màng nông, lâm nghiệp và còn tới nhiều lĩnh vực khác. Sự hình thành các lĩnh vực kinh tế biển như trên sẽ dẫn đến sự hình thành tiếp theo của khoa học kỹ thuật, dịch vụ, tài chính ngân hàng… và dẫn đến sự biến đổi to lớn về mặt đời sống xã hội.
Vùng kinh tế trọng điểm và kinh tế biển



Trên cơ sở phân tích xu thế phát triển về kinh tế biển và sự thích ứng về chiến lược nêu ra trên đây, mùa Xuân năm 1992, các nhà khoa học vật lý hải dương, công trình biển và thềm lục địa thuộc Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định một chương trình nghiên cứu các điều kiện tự nhiên cùng các điều kiện kinh tế xã hội và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về địa lý kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - an ninh quốc phòng.
Chương trình này nhằm tìm kiếm, lựa chọn các vị trí có thể xây dựng được cảng biển nước sâu và khu công nghiệp dọc duyên hải miền Trung, bao gồm các cửa biển Quy Nhơn, Đề Gi, An Dũ, Tam Quan (Bình Định); Sa Huỳnh, Trà Cầu, Cửa Đại, vịnh Dung Quất (Quảng Ngãi); Kỳ Hà, vịnh Đà Nẵng (Quảng Nam) và Chân Mây (Thừa Thiên - Huế).
Sau khi phân tích và tổng hợp các kết quả nghiên cứu, đã lựa chọn được ba địa điểm hội tụ đủ điều kiện để xây dựng cảng biển nước sâu và khu công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ là Dung Quất (Đông Bắc Quảng Ngãi), Chân Mây (Đông Nam Thừa Thiên - Huế) và Nhơn Hội (Bình Định).
Các kết quả nghiên cứu và đề xuất trên đây đã được Đảng và Nhà nước phê duyệt và ra các quyết định quan trọng, có tác động to lớn lâu dài đối với lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.
Mùa Thu năm 1994, sự phê duyệt dự án cảng biển nước sâu và Khu công nghiệp Dung Quất đã dẫn đến sự ra đời vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kéo dài từ Liên Chiểu (Quảng Nam - Đà Nẵng) đến Dung Quất (Quảng Ngãi) và hình thành trục phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ dọc theo vùng duyên hải từ Đà Nẵng đến Dung Quất cùng với đường quốc lộ 24 và 14 nối tiểu vùng sông Mekong.
Mùa Xuân năm 1996, việc phê duyệt dự án cảng biển nước sâu và Khu công nghiệp - thương mại - du lịch dịch vụ Chân Mây đã dẫn đến sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ra đến Thừa Thiên - Huế và mùa Thu năm 2004, việc phê duyệt dự án cảng biển nước sâu và Khu kinh tế Nhơn Hội đã dẫn đến sự mở rộng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về phía Nam đến Bình Định (đường 19).
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với diện tích 27.884km2, có dân số khoảng 6,2 triệu người (năm 2006) và dự báo đến 2025 là 8,15 triệu người. Chuỗi đô thị đang phát triển của vùng trải dài theo 558km bờ biển, gồm Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế lớn như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội.
Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh quốc phòng. Là mặt tiền của cả nước, của tiểu vùng sông Mekong, từ đây có thể nối với các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và xa hơn nữa là các nước Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc qua các trục hành lang Đông - Tây, đường 9, đường 14, đường 24, đường 19.
Từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có thể đi ra thế giới bằng hệ thống các cảng biển nước sâu và hệ thống các cảng hàng không. Có trục hạ tầng lớn của đất nước (đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt, đường điện 500KV, đường cáp quang và vi ba xuyên quốc gia). Nơi đây còn có 13 trường đại học, bốn di sản văn hóa thế giới (cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn và văn hóa phi vật thể nhã nhạc cung đình Huế).
Trong 18 năm qua, sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng này đã có đột phá lớn chưa từng có. Từ chỗ nguồn vốn đầu tư chỉ vài chục triệu USD (năm 1990), đến nay, nguồn vốn đó đã lên đến vài chục tỉ USD (tăng khoảng 1.000 lần). Nhờ đó, một vùng non nước nghèo nàn với sản xuất nông nghiệp nhỏ và lạc hậu đã nhanh chóng trở thành một trục kinh tế biển hùng mạnh của đất nước.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với con đường di sản và thiên nhiên tuyệt đẹp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của đất nước. Sự bùng nổ về phát triển kinh tế ở miền Trung đã từng bước đem lại sự đổi đời cho vùng đất nghèo khó này. Điều đó có thể thấy một cách cụ thể như ở Quảng Ngãi: từ chỗ ngân sách của tỉnh chỉ có 160 tỉ đồng, giờ đây tỉnh này đã bước vào câu lạc bộ 2.000 tỉ và sắp đến sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Sự liên kết trên con đường phát triển
Để có điều kiện phát triển và phát huy vai trò động lực của mình, cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp và khả năng liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như liên kết giữa các khu kinh tế trong vùng này, đồng thời xem xét, tìm kiếm các giải pháp liên kết với các vùng trong nước và thế giới.
Trải qua hơn một thập niên hình thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương đã thể hiện rõ dần thế mạnh và khả năng liên kết của từng tỉnh với các địa phương khác. Vấn đề là cần tìm ra một cơ chế và cách ứng xử để vượt qua rào cản tâm lý địa phương và địa giới hành chính.
Để làm được việc đó, cần phải tập hợp các nhà quản lý làm việc theo tinh thần của những người lính trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ứng xử và hợp tác với nhau theo tinh thần đó thì nhất định sẽ tạo được một bước chuyển biến vô cùng to lớn. Nhìn vào thế mạnh của từng địa phương, có thể thấy có những sự khác biệt và đặc thù và có thể nêu ra sự liên kết hợp lý và hoàn toàn hiện thực hóa được như sau:
- Giữa Huế và Đà Nẵng có thể liên kết trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhằm cung cấp cho toàn vùng trọng điểm kinh tế miền Trung và cho cả nước. Sự phối hợp giữa cảng Đà Nẵng và cảng Chân Mây sẽ hình thành được một trung tâm sản xuất - thương mại tầm cỡ quốc tế, cụ thể là đối với các nước tiểu vùng sông Mekong và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đà Nẵng và Huế là khu vực có nhiều tiềm lực để xây dựng và phát triển nền công nghiệp phụ trợ cho miền Trung và cả nước. Ngành công nghiệp phụ trợ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tạo giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất công nghiệp, đặc biệt với các khu công nghiệp lớn ở vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.
Giữa Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ hình thành một khu du lịch và dịch vụ lớn của miền Trung, cũng như của cả nước, trên cơ sở triển khai con đường di sản theo cung đường Hải Vân - Chân Mây - Lăng Cô - Bạch Mã. Quá trình liên kết và phát triển sẽ dẫn đến hình thành thành phố sinh đôi Huế - Đà Nẵng làm trung tâm văn hóa - khoa học công nghệ cho toàn miền Trung và Tây Nguyên.
Con đường hợp tác và phát triển nêu ra trên đây của Huế và Đà Nẵng sẽ đem lại sức sống và là chỗ dựa cơ bản cho các khu kinh tế tổng hợp, đa ngành là Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát triển một nền công nghiệp hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
- Sự liên kết giữa Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội sẽ được hình thành trên cơ sở liên kết cụm ngành, bao gồm các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo máy, đóng tàu, vận tải biển, sản xuất thép, chế biến nông lâm, thủy, hải sản. Với sự thành công và đi trước một bước, Dung Quất có thể tạo mối liên kết về lọc hóa dầu, vật liệu xây dựng, luyện thép với Nghi Sơn, Vũng Án, Hòn La.
Sự liên kết này thể hiện trên nhiều mặt như thương hiệu, sản phẩm, kỹ thuật, thị trường…, giúp cho các doanh nghiệp trong vùng thúc đẩy việc tăng năng suất, sản lượng hàng hóa. Trên con đường phát triển của mình, các khu vực Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, Myanmar… sẽ cần nhiều các sản phẩm dầu khí, sắt thép, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, phân bón từ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời các khu vực trên cần xuất các sản phẩm nông, lâm, thổ sản, vật liệu, khai khoáng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua các cảng Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Nhơn Hội.
Nằm giữa hai vùng kinh tế đầy tiềm năng và đang phát triển là tiểu vùng sông Mekong và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên với diện tích 45.855km2, dân số khoảng hai triệu người là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị, và an ninh quốc phòng. Đây là vùng giàu có về tài nguyên, đặc biệt là nông, lâm, thổ sản và cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao, điều, hồ tiêu, cùng hàng trăm triệu mét khối gỗ, hàng tỉ tấn quặng bô xít, đá quý, vật liệu xây dựng cùng hệ thống thủy điện to lớn và phát triển.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đang bước vào thời kỳ phát triển chưa từng có trong lịch sử của mình. Được sinh ra và hình thành trên lĩnh vực kinh tế biển, vùng này đang trở thành một trục kinh tế biển hùng mạnh của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, ngày càng có tác động lớn tới sự phát triển nền kinh tế quốc dân và rộng hơn, còn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của tiểu vùng sông Mekong.

ngochan210

Tổng số bài gửi : 3
Join date : 19/05/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết